Đăng nhập

Sang chấn tâm lý khi sinh: Khi mẹ hy sinh linh hồn để đón con chào đời

Sinh con là một quá trình đầy mệt mỏi và kiệt sức mà không phải lúc nào cũng diễn ra như mong đợi. Một số bà mẹ gặp khó khăn trong khi sinh khiến họ rất căng thẳng cả về thể chất và cảm xúc. Những căng thẳng này có thể dẫn đến sang chấn tâm lý khi sinh. Trong bài viết này, bạn có thể tìm hiểu về những lý do có thể dẫn đến tình trạng này, các dấu hiệu và cách bảo vệ bản thân tốt nhất khỏi sang chấn tâm lý trong quá trình sinh đẻ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn cho bạn các phương pháp hỗ trợ nếu tâm hồn bạn đang đau khổ vì sinh con.

bà bầu đang trong quá trình sinh nở

 

Điều gì có thể gây ra sang chấn tâm lý khi sinh?

Bạn luôn khao khát có em bé. Cuối cùng thì sinh linh bé bỏng cũng đang dần hình thành trong bụng bạn và bắt đầu có những cơn co thắt đầu tiên. Nhưng rồi mọi thứ hóa ra lại khác với mong đợi. Sinh con hóa ra lại là một trong những khoảnh khắc quyết liệt và căng thẳng nhất trong cuộc đời bạn. Điều này có thể do rất nhiều lý do khác nhau ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ và sinh con của bạn. Chẳng hạn như một ca chuyển dạ hoặc sinh con quá nhanh, quá gấp hoặc cũng có thể là một ca khó sinh, lâu sinh. Một cơn chuyển dạ điển hình trung bình kéo dài từ 6 - 18 giờ. Mặc dù chuyển dạ nhanh nghe có vẻ tốt hơn so với chuyển dạ kéo dài vài giờ (hoặc vài ngày), tuy nhiên chuyển dạ nhanh lại đi kèm với rủi ro cho cả mẹ và bé. Khi chuyển dạ nhanh, các cơn co thắt chậm và yếu không bao giờ xảy ra. Thay vào đó là những cơn co thắt nhanh, dữ dội gần như ngay từ đầu. Ngược lại, các ca chuyển dạ kéo dài lại khiến cho sản phụ kiệt sức, đau lưng và hai bên người,... Một số mẹ còn gặp phải các biến chứng khi sinh con, chẳng hạn như chảy máu nhiều, dây rốn bị sa, quá trình chuyển dạ bị đình trệ hoặc thậm chí là sảy thai.

Xuyên suốt quá trình này luôn có các nữ hộ sinh và bác sĩ trực sẵn hỗ trợ về mặt y tế trong trường hợp có biến chứng. Tuy nhiên tình trạng các cơn co thắt quá nhiều khiến cho sức khỏe tâm lý của các bà mẹ bị sa sút trong các trường hợp cấp cứu y tế. Nhiều sản phụ cảm thấy bất lực, thương xót và vô cùng sợ hãi trước tình cảnh này.

bà bầu đang trong quá trình sinh nở

 

Dấu hiệu sang chấn tâm lý khi sinh

Tình trạng bất ổn tâm lý này có thể xuất hiện bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Một số sản phụ không còn cảm xúc tích cực sau khi sinh con. Họ trở nên tê liệt cảm xúc.

  • Một số khác lại có cảm giác thờ ơ hoặc rất sợ mất mát.

  • Cũng có trường hợp các mẹ cứ hồi tưởng lại những trải nghiệm đau buồn xung quanh việc sinh nở trong tâm trí họ. Thậm chí nhiều tháng hoặc nhiều năm sau, một số tác nhân nhất định có thể khơi lại sang chấn tâm lý khi sinh. Ví dụ như mùi hoặc âm thanh.

Ngoài những triệu chứng về tâm lý, nhiều mẹ còn phải chịu đựng những tổn thương về thể chất khi sinh nở. Nó có thể dẫn đến nhịp tim nhanh, run rẩy, mất ngủ và huyết áp cao. Cơn đau do sinh mổ hoặc sinh khó cũng có thể ảnh hưởng đến sang chấn khi sinh.

 

Sang chấn tâm lý khi sinh: Mối nguy lớn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của trẻ

Sang chấn khi sinh thường phủ bóng đen lên hạnh phúc gia đình của trẻ. Nhiều mẹ bầu bị ảnh hưởng nặng nề trong quá trình sinh con cảm thấy khó thiết lập mối quan hệ tình cảm với đứa trẻ. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ mẹ con. Ngoài ra, em bé sinh ra cũng phản ánh phần nào cảm xúc của người mẹ. Do đó, có thể trẻ sẽ rất bồn chồn, khóc nhiều và không thực sự muốn bú mẹ. Như vậy, về lâu về dài các mẹ lại cảm thấy mình làm mẹ không tốt. Điều này có thể khiến cho tình trạng tâm lý trầm trọng hơn tạo thành một vòng luẩn quẩn.

mẹ trầm cảm khi chăm sóc con

Nhưng sang chấn tâm lý khi sinh đôi khi cũng để lại những khó khăn cho người chồng. Nhiều ông bố thấy bất lực và không biết làm thế nào để giúp vợ. Bản thân một số người đàn ông cũng sẽ hình thành nên vết sẹo tình cảm từ một lần sinh đẻ đau thương của người vợ.

 

Chuẩn bị sinh: Chuẩn bị cho cả những trải nghiệm

Sinh con không phải lúc nào cũng diễn ra theo kế hoạch. Có thể mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn nhận thức được điều này trước khi bạn sinh con. Ví dụ, nếu có một ca sinh mổ khẩn cấp, bạn sẽ không cảm thấy quá choáng ngợp trong tình huống này. Tình hình vẫn rất căng thẳng, nhưng có lẽ không đến mức quá đau thương.

Ngoài ra, hãy chuẩn bị cho việc sinh nở tốt nhất có thể. Các cặp vợ chồng nên trò chuyện với nhau về nhu cầu và mong muốn, cũng như về những điều mà một trong hai người không thể làm được. Điều này giúp bạn đưa ra quyết định dễ dàng hơn ngay cả trong những tình huống đặc biệt. Những điều đơn giản như vậy cũng có thể làm giảm nguy cơ sang chấn tâm lý khi sinh.

 

Hãy mạnh dạn đứng lên vì bản thân và bảo vệ cảm xúc của mình

Sang chấn tâm lý khi sinh là một biểu hiện của quá trình tổn thương tâm lý với những biểu hiện bất ổn sau khi trải qua hoặc chứng kiến các sự kiện, tình huống nguy hiểm, căng thẳng, đau khổ tột độ… Đó là cảm xúc cá nhân và phản ứng tự nhiên của con người khi chịu nhiều kích thích về tâm lý. Do đó, sang chấn khi sinh không bao giờ là dấu hiệu của sự yếu đuối. Hãy bao dung và đồng cảm với chính mình, cảm xúc tiêu cực đôi khi cũng có quyền tồn tại. Ngoài ra, hãy cho mình thời gian để xử lý, làm quen và đối mặt với chuyện sinh đẻ.

Điều đáng buồn là thật khó để nhìn thấu nội tâm của họ khi nhìn vào những người phụ nữ lần đầu nhận thiên chức làm mẹ. Bởi xung quanh họ luôn có những lời nói bâng quơ nhưng lại khiến họ ngại mở lòng: “Ôi dào, đẻ thôi mà có gì ghê gớm đâu. Giờ chúng mày toàn động tí là kêu đau. Đã là phụ nữ thì ai mà chả phải đẻ, ai cũng kêu đau như mày chắc”. Kết quả là nhiều phụ nữ phải chịu đựng trong im lặng. Điều này là hoàn toàn không đúng, không người phụ nữ nào nên và phải trải qua giai đoạn khó khăn này một mình. Do đó tất cả những gì sản phụ cần lúc này đơn giản là nhận được  sự cảm thông và hỗ trợ tích cực. Bất kể điều gì gây ra sang chấn tâm lý cho người phụ nữ đều xứng đáng được quan tâm.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Hãy suy nghĩ và tìm đến sự giúp đỡ ngay khi bắt đầu phát hiện có những biểu hiện sang chấn tâm lý khi sinh. Đó có thể là một bác sĩ hoặc nữ hộ sinh đáng tin cậy trong phòng khám. Thậm chí tại nhiều phòng khám uy tín còn có các nhà trị liệu tâm lý cũng sẵn sàng giúp đỡ bạn.

Khi trở về nhà, bạn có thể tự tin đến gặp bác sĩ phụ khoa hoặc nữ hộ sinh của mình. Có lẽ bạn muốn tâm sự với người thân thiết hơn hoặc đơn giản là những người phụ nữ cùng cảnh ngộ, từng trải qua những khó khăn như bạn, những người có thể cảm thông và quan tâm về những gì bạn đã trải qua. Nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc không tự thuyên giảm, liệu pháp trị liệu sang chấn tâm lý có thể hữu ích.

Quyết định là ở bạn. Không có đúng hay sai. Đừng ngại từ chối sự giúp đỡ nếu cảm thấy không phù hợp với mình. Quan trọng là bạn dám thực hiện bước đầu tiên của hành trình làm mẹ. Đừng quên rằng ở bên cạnh bạn còn có em bé trong bụng và những người thân và bạn bè luôn sẵn sàng giúp đỡ và yêu thương bạn, coi bạn là gia đình!

 

Tác giả: Kim Dung

Thông tin khác

Chat Facebook
Gọi trực tiếp
Chat trên Zalo